Xuất Khẩu Hàng May Mặc Sang Mỹ Ngày Càng Khó

Theo báo cáo của Bộ Thương mại, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay đạt 1.140 triệu USD, tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2003, kim ngạch đạt 1974,6 triệu USD, tăng 207,85% so với năm 2002. Kết quả trên là thành tựu của Hiệp định BTA và Hiệp định về thương mại dệt may giai đoạn 2003-2005 giữa Việt Nam và Mỹ cùng các lợi thế như nhân công rẻ, dồi dào, có tay nghề thành thạo.

Những đối thủ cạnh tranh trong tương lai

Trong khi việc phân bổ hạn ngạch dệt may hiện nay đang bị nhiều công ty trong ngành dệt may kêu ca thì lại nảy sinh thêm vấn đề mà họ phải đối phó. Từ ngày 1/1/2005, các quốc gia thành viên của WTO sẽ được hưởng hệ thống phi hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ. Hạn ngạch nhập khẩu không còn tác dụng với các nước này. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải chịu hạn ngạch vì chưa phải là thành viên của WTO. Tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may Việt Nam vào thị trường này sẽ quyết liệt hơn và sản phẩm dệt may có đứng vững trên thị trường này hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố giá cả và chất lượng.

Theo đánh giá của Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ ngày 30/6/2004, sau khi loại bỏ quota dệt may, Trung Quốc kỳ vọng trở thành nhà cung cấp được ưa chuộng đối với hầu hết các nhà nhập khẩu Mỹ (kể cả các công ty và nhà bán lẻ lớn hàng may mặc) vì nước này có khả năng sản xuất hầu như bất cứ loại sản phẩm dệt may nào với bất kỳ mức chất lượng nào với một mức giá cạnh tranh.

Tuy nhiên, mức độ mà Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất hàng sau khi bỏ quota vào năm 2005 sẽ bị kiềm chế bởi tình trạng không chắc chắn liệu Mỹ và các nước nhập khẩu khác có sử dụng đến chế tài tự vệ hàng dệt cụ thể được quy định trong thỏa ước gia nhập WTO của Trung Quốc.

Để giảm bớt rủi ro của việc đặt mua hàng từ một nước duy nhất, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng có kế hoạch mở rộng quan hệ thương mại với các nước có giá cả thấp khác để làm nguồn thay thế cho Trung Quốc, đặc biệt là Ấn Độ. Ấn Độ cũng được đánh giá là nước có nền sản xuất rất lớn có thể sản xuất một chuỗi đa dạng nhiều sản phẩm dệt may với giá cả cạnh tranh và có một nguồn cung lao động lớn với giá rẻ.

Dù vậy, báo cáo cũng đánh giá là trong thời gian dài hạn thì hàng xuất khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của chính mình. Điều này có khả năng làm gia tăng cầu nội địa với hàng dệt may cũng như đối với lao động và vốn để làm ra những sản phẩm này.

Trong số các nước ở Nam Á, còn phải nói đến một số quốc gia như Bangladesh, Pakistan, ngoài ra còn một số nước Trung Mỹ. Trong số các nước thành viên ASEAN thì những nước duy nhất được đánh giá có khả năng cạnh tranh như các nhà cung cấp lớn có thể thay thế cho Trung Quốc hay Ấn Độ chính là Việt Nam và Indonesia. Dù Việt Nam hiện nay vẫn chưa được hưởng quy chế bỏ quota cho đến khi trở thành thành viên của WTO.

Khó khăn, thách thức đòi hỏi những nỗ lực

Để đối phó với tình hình này, Chính phủ Việt Nam đang có nhiều nới lỏng với hàng dệt may. Theo Vụ chính sách thuế – Bộ tài chính, hàng dệt may ngay từ đầu năm nay sau khi xuất khẩu đã được hưởng thuế suất VAT là 0% và được hoàn thuế VAT nguyên liệu đầu vào.

Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, hàng dệt may khi xuất khẩu (XK) được hưởng thuế suất 0%, vật tư, nguyên liệu nhập khẩu (NK) để gia công hàng XK được miễn thuế NK, NK vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng XK được hưởng ân hạn nộp thuế 275 ngày. Khi thực XK, sản phẩm được hoàn thuế NK với vật tư, nguyên liệu NK đầu vào tương ứng với tỷ lệ sản phẩm XK.

Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các bên hợp doanh theo hợp đồng hợp tác liên doanh thời hạn miễn thuế 5 năm áp dụng với nguyên liệu sản xuất, vật tư, linh kiện trực tiếp phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh. Với các máy móc, thiết bị dây chuyền công nghệ với các dự án đầu tư nước ngoài và các dự án đầu tư trong nước chưa sản xuất được khi NK được miễn thuế NK.

Trong tình hình mới, bản thân các DN cần phải có những cố gắng nhất định. Cần phải đầu tư nâng cấp dây chuyền mới, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để đảm bảo uy tín của thương hiệu dệt may Việt Nam. Đầu tư nâng cao trình độ tay nghề của công nhân ngành dệt may, tăng cường đầu tư xúc tiến thương mại trong điều tra, khảo sát, nắm vững nhu cầu thị trường dệt may ở Mỹ. Tính toán cân đối hợp lý giữa giá bán và giá thành sản phẩm nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam.

Theo Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, các công ty ở các nước có nguy cơ bị giảm sút thị phần sau ngày 1/1/2005 cần phải thấy được tầm quan trọng của quan hệ lâu dài giữa các công ty và các nhà bán lẻ hàng may mặc Mỹ và các nhà cung cấp nước ngoài trong sản xuất một số món hàng nhất định. Một số lượng lớn các nước có khả năng trở thành những nhà cung cấp lớn thuộc nhóm 2 cho các công ty và nhà bán lẻ hàng may mặc Mỹ cho những dòng sản phẩm hay dịch vụ chuyên biệt. Khi các hãng Mỹ tìm cách cân bằng các yếu tố chi phí, khả năng linh hoạt, tốc độ và rủi ro trong chiến lược đặt mua hàng của mình, có khả năng họ sẽ nhắm vào các nhà cung cấp nhóm 2 này để đáp ứng những nhu cầu mà các nhà cung cấp nhóm 1 không thỏa mãn.

Theo bà Brenda A.Jacobs, một chuyên gia trong ngành thương mại thuộc Brown & Wood LLP (Mỹ), khách hàng vẫn tiếp tục đến với ngành dệt may Việt Nam vào năm 2005 với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Khách hàng cũng không phải đến đây chỉ vì đối phó với tình trạng thiếu quota ở những nơi khác. Để đối phó với thời điểm 2005, Việt Nam cần tối thiểu hóa chi phí quota vì tổn phí chỉ gây xói mòn tính cạnh tranh. Quy trình phân bổ quota cần minh bạch và càng ít phát sinh chi phí càng tốt.

Đồng thời, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ gia nhập WTO vì tư cách thành viên của WTO sẽ tạo cho Việt Nam sự bảo vệ lớn nhất trước các rào cản của các thị trường nước ngoài. Theo quy chế ATC thì những quy định về giải quyết tranh chấp của WTO là phương tiện hữu hiệu nhất để khống chế chính sách bảo hộ của Mỹ.

(Theo Vneconomy)

Đăng tải tại Tin Tức | Bình luận về bài viết này

Xuất Khẩu Hàng Dệt May Sang EU Ngày Càng Khó

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU gần đây đã bắt đầu tăng trở lại so với đầu năm, nhưng so với các thị trường truyền thống khác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…,  thì tốc độ tăng còn chậm.

Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 4 tỷ USD tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái; sang Nhật Bản đạt 700 triệu USD, tăng 15%, trong khi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang EU chỉ tăng hơn 6% (1,18 tỷ USD).

Theo phân tích của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các nước Đông Âu, Bắc Phi vốn là nguồn cung ứng lớn hàng dệt may cho thị trường EU cách đây 10 năm hiện đã “hụt hơi”, nhường cơ hội và thị phần cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, Morocco giảm từ 5,92% thị phần của thị trường hàng dệt may EU vào năm 2000 xuống còn 3,45% năm 2009, Ba Lan từ 4,1% xuống chỉ còn 0,98%. Thổ Nhĩ Kỳ là nước xuất khẩu chủ lực sang EU cũng chỉ duy trì ở mức 14% thị phần trong nhiều năm gần đây. Vài năm trước, các doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội đưa hàng sang EU, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 12-13%/năm, nhưng năm nay cũng tỏ ra… đuối sức.

Theo một số chuyên gia, sự tăng trưởng không đạt như kỳ vọng trong những tháng qua chịu ảnh hưởng của một số nguyên nhân chính sau.

Thứ nhất, theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương), hiện  DN Việt Namkhi xuất khẩu hàng sang EU đều gặp khó khăn, không riêng gì dệt may.

Ông Trần Ngọc Quân, Trưởng phòng EU (Vụ Thị trường châu Âu) cho biết, khó khăn đối với DN xuất khẩu vào EU, trước tiên là do thị hiếu, phong cách tiêu dùng, ngôn ngữ, văn hoá kinh doanh của mỗi nước, mỗi vùng khác nhau, trong khi đó hàng hoá vào thị trường EU lại được lưu thông trên toàn bộ 27 nước. Như vậy, việc tạo ra một sản phẩm và đưa sản phẩm vào được một nước và phải thích ứng với 26 nước còn lại là một thách thức không nhỏ đối với các DN Việt Nam.

Khó khăn thứ hai là thị trường EU có nhiều quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường, mà cụ thể là “vướng” về quy định sử dụng hoá chất (Reach) đã có hiệu lực từ năm 2009.

Ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Kinh tế dệt – may cho rằng, dệt may thuộc số các ngành công nghiệp sử dụng nhiều hoá chất. Các loại sợi, vải, quần áo và các phụ kiện dệt may đều có chứa nhiều loại hoá chất khác nhau như thuốc nhuộm, thuốc tẩy… Vì vậy, các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và kinh doanh hàng dệt may có hàng bán tại EU đều phải xem xét và tuân thủ quy định Reach.

Một khó khăn nữa của DN trong việc kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm giảm thiểu những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu là thiếu vốn để đầu tư các trang thiết bị kiểm tra hiện đại. Bên cạnh đó, việc cập nhật các thông tin của các DN còn nhiều hạn chế cũng làm tăng nguy cơ gặp phải rủi ro trong xuất khẩu.

Ngoài ra, cũng phải kể đến việc EU vẫn đang tìm mọi cách để duy trì chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Việc tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh đối với mặt hàng nào vào EU cũng có thể đưa đến những hậu quả không mong muốn là EU sẽ tiến hành các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá.

“Đây cũng là một trong những khó khăn của DN Việt Nam, bởi DN vừa phải tìm cách tăng cường thâm nhập thị trường, vừa phải tính toán ở mức độ thế nào cho hợp lý để không phải là đối tượng của các biện pháp bảo hộ”, ông Quân nói.

(www.baodautu.vn)

Đăng tải tại Tin Tức | Bình luận về bài viết này